English | Spanish

Thư gửi Giáo dân trong Giáo Phận San Jose
Lễ Lao Động 2020

Quý Ông Bà và Anh Chị em thân mến trong Chúa Ki-tô,

Nhân lễ Lao Động năm nay, ngày mà người dân Hoa kỳ có truyền thống nghỉ ngơi và cùng với gia đình, bạn hữu quy tụ chung quanh lò nướng ở sân sau nhà để ăn uống với nhau. Tôi cũng muốn nhân dịp này chia xẻ một vài ý nghĩ của tôi với quý Ông Bà và Anh Chị em về Ngày của Chúa, về việc thờ phượng, nghỉ ngơi, và liên kết với nhau, cũng như về ơn gọi khi chịu Phép Rửa tội để sống như là những người cộng tác với Chúa, xây dựng nước Chúa qua công việc tay chân, trí tuệ, hay tinh thần của mình.

Nay chúng ta đã trải qua một nửa năm trong cơn bệnh dịch.  Chúng ta có thể đối diện với một nửa năm khác sống cách ly với mọi người, sống cách ly với gia đình và cộng đồng.  Trong khi các nhà khoa học và các bác sĩ đang nghiên cứu để tìm ra thuốc chủng để trị cơn bệnh dịch, chúng ta cùng cầu nguyện cho cơn bệnh dịch mau qua khỏi để cho con người khắp nơi sớm được trở lại an lành.

Giá Trị của Việc Làm

Chúng ta chia xẻ sự đau khổ của hàng triệu người dân Hoa kỳ và người dân khắp nơi trên thế giới đã bị mất việc vì cơn bệnh dịch.  Không những là nguồn lợi tức chấm dứt, nhưng còn là giấc mơ bị đánh tan, những cơ sở tiểu thương lụn bại, niềm lạc quan trở thành bóng tối.  Đối với nhiều người, ý nghĩa của cuộc sống không còn tìm thấy.

Mặc dầu việc làm đáp ứng được nhu cầu sinh sống cho cả gia đình, mang lại thế đứng ngoài xã hội, giúp chúng ta tìm được ý nghĩa của cuộc sống và đóng góp cho xã hội, nhưng một việc làm không thể làm mất nhân phẩm của chúng ta.  Ngoài ra, việc làm (khác với một công việc) thể hiện cá tính của mỗi người. Việc làm cho thấy mỗi người khác nhau thế nào.  Đối với những người đã chịu Phép Rửa tội, chúng ta nhận ra giá trị của sự lao động, trong gia đình cũng như bên ngoài, như Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta xây dựng nước Chúa.  Việc lao động của con người là một cách tham gia vào việc sáng tạo của Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô có viết: “Chúng ta được dựng nên cùng với ơn gọi làm việc.”  Và Ngài viết tiếp: “Làm việc là cần thiết, là một phần trong ý nghĩa của cuộc sống trần gian, là con đường phát triển, là sự hoàn thành những phát triển chung của con người và của mỗi cá nhân.” (Laudato Si, 128).  Ngài cũng còn ghi nhận thêm: “Chúa Giê-su làm việc bằng tay, mỗi ngày tiếp xúc với những sự vật do Chúa sáng tạo, và thể hiện nơi đó khả năng của mình.  Một điều rất nổi bật là hầu như suốt đời Ngài, Ngài chỉ quan tâm đến công việc giản dị này mà chẳng muốn ai khâm phục: “Chẳng phải đây là người thợ mộc con của Bà Maria sao?“ (Mc. 6: 3) (LS 98).

ĐGH Phan-xi-cô còn củng cố nền giáo dục Công giáo chủ trương rằng việc làm không những giúp cho con người thấy thỏa đáng, nhưng còn giải thoát con người.  Ngài nói: “Bằng cách này, Ngài thánh hóa lao động của con người và gửi gắm vào đó một ý nghĩa đặc biệt cho việc phát triển của chúng ta.  Như Thánh Gioan Phao-lô II có dạy: ‘Qua sự chịu đựng việc làm trong cùng hiệp thông với Chúa Ki-tô trên thập giá, [con người] cộng tác với Con Thiên Chúa trong việc cứu rỗi nhân loại.’” (LS 98)  Bất cứ lúc nào chúng ta thi hành ý nguyện của Thiên Chúa là chúng ta tham dự vào công trình cứu độ của Chúa cho chúng ta và cho cả nhân loại.  Chúng ta được khích lệ tin rằng mọi hành động của chúng ta, như chăm sóc một đứa trẻ hay chăm sóc một người già, chăm sóc gia đình, hoặc đóng góp vào công việc của một hãng xưởng lớn hay nhỏ, đều là cách cộng tác tích cực vào việc cứu độ mà Chúa Ki-tô đã dành cho chúng ta.  Công việc của chúng ta chính là công việc của Chúa cho nhân loại.

Thánh Gioan Phao-lô II đã viết về việc làm như một cách tham gia và tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa và cũng là một công việc thiết yếu của con người.  “Công việc là một điều quý giá cho con người  –  và là một điều quý giá cho nhân loại –  vì qua việc làm, con người không những hoán cải thiên nhiên, làm cho thiên nhiên trở nên thích ứng với nhu cầu của mình, mà con người còn hoàn tất như một thụ tạo, và theo một cách nhìn khác, con người trở nên siêu phàm hơn.’” (Laborem Exercens, 9.3)

Công Việc Trong Thời kỳ Dịch Bệnh

Quý Ông Bà và Anh Chị em có thể hỏi: Nếu công việc quan trọng đến thế đối với giá trị và phầm chất con người, và ngay cả ơn cứu độ con người, thế thì tại sao có nhiều người thất nghiệp hay phải làm một việc thấp kém hơn, do hoàn cảnh dịch bệnh này?  Thật là một câu hỏi chính đáng.  Ở trên tôi có đề cập đến sự khác biệt giữa việc làm và một công việc. Tôi thấy có một lý do quan trọng.  Ngoài những công việc mà chúng ta làm, chúng ta còn có một cuộc sống làm việc.  Tôi thường nghe những người có gia đình nói rằng cuộc sống hôn nhân đòi hỏi nhiều việc làm.  Nuôi nấng con cái đòi hỏi phải làm nhiều việc.  Chăm sóc người già yếu hay một người trong gia đình mang bệnh nặng đòi hỏi phải làm nhiều việc.  Khi xả thân giúp cho những người khác vì lòng bác ái mà theo truyền thống Ki-tô giáo chúng ta thường gọi là “các Việc Bác ái Đạo Đức” hay “các Việc Nhân Đức.” Việc bác ái chúng ta làm thường đi xa hơn là một việc làm hay một công việc.

Công việc chúng ta làm trong thời kỳ dịch bệnh hẳn nhiên đòi hỏi một sự chuyển tiếp, một nhãn quan khác.  Trong gia đình, chúng ta có bổn phận phải chăm sóc các thành phần trong gia đình – cũng là một việc làm để xây dựng mối liên hệ với những người quan trọng đối với ta.  Là môn đệ Chúa Ki-tô, chúng ta nhận ra gia đình chúng ta gồm cả anh em, chị em “trong mọi gia tộc, mọi ngôn ngữ, và mọi quốc gia.” (Sách KH 5: 9): chúng ta trở nên những người thân cận với mọi người.  Trong thời kỳ dịch bệnh, chúng ta trở nên xa cách với mọi người, nhưng chúng ta được mời gọi để trở nên gần gũi hơn: gọi điện thoại cho một người hàng xóm hay một người quen, một người bà con hay một người cùng giáo xứ sống lẻ loi; một lần “họp mặt” trên mạng với người thân hay những người cùng giáo xứ cũng có thể làm giảm đi tâm trạng xa cách do cơn bệnh dịch gây ra giữa chúng ta.  Việc Bái ái Đạo đức bao gồm cả việc hướng dẫn, khuyên răn, an ủi, nâng đỡ, cũng như tha thứ và nhẫn nhục chịu đựng.  Lớn lên trong gia đình có 8 anh chị em, các việc Bái ái Đạo đức nghe như quen thuộc trong gia đình tôi!  Một trong những việc Bác ái Đạo đức khác là thăm viếng các tù nhân.  Có rất nhiều người hiện đang bị tù trong nhà họ vì hoàn cảnh cô đơn, vì già cả hay vì đau yếu.  Quý Ông Bà và Anh Chị em có thể “đến thăm” họ bằng cách trực tuyến không?  Hay gọi điện thoại?  Đi giúp họ chuyện này chuyện kia, mang thức ăn, hay làm vườn cắt cỏ giúp họ được không?

Nhiều người trong các cộng đồng của chúng ta đã tình nguyện tham gia trong Hội Bác Ái Công giáo và hàng tuần đi phát thực phẩm trong một vài giáo xứ.  Một số những thành viên trẻ cũng đã tổ chức đi mua thực phẩm cho các người già trong các cộng đồng. Thật là những tấm gương chứng nhân chói sáng!  Cho người đói ăn cũng là một cách thực thi Nhân đức Bác Ái Công giáo.  Có người thì tình nguyện đi chữa cháy.  Chúng ta thật biết ơn những người ấy trong thời kỳ hỏa hoạn ở California.  Có người thì lại giúp chỗ ăn chỗ ở cho những người phải tản cư vì cháy.  Giúp chỗ ăn chỗ ở cho người: Đó là một cách thực thi nhân đức Bác Ái Công giáo!

Chúng ta cũng còn nhớ và biết ơn những người trong các cộng đồng của chúng ta đang hy sinh và xả thân giúp cho chúng ta – họ là những nhân viên y tế trong các bệnh viện, các cơ sở, các hãng xưởng, các tiệm bán thực phẩm v.v… Nhiều người trong các cơ sở, xưởng chế biến hay tiệm bán thực phẩm đã bị nhiễm bệnh dịch.  Không những chúng ta cần biết ơn họ vì nhờ họ mà chúng ta có thức ăn – chúng ta còn phải biết cầu nguyện và bênh vực họ, vì họ đã che chở chúng ta!

Xin hãy tiếp tục thực hành các việc phù hợp với nhân bản và phù hợp với tinh thần Ki-tô giáo trong thời gian dịch bệnh này.  Chúng ta cần một xã hội nhân bản hơn, một xã hội yêu thương và nhân ái.  Như chúng ta vẫn cầu nguyện trong Lời nguyện Thánh Thể: “Xin cho chúng con nhìn thấy những nhu cầu của anh chị em chúng con, xin cho chúng con thấy hứng khởi trong lời nói và việc làm để nâng đỡ những ai nhọc nhằn hay khó khăn.  Xin cho Giáo Hội Chúa vẫn là một chứng nhân sống động cho chân lý và tự do, cho hòa bình và công lý, và xin cho mọi người được

sống trong một niềm hy vọng mới.” (EPMVN IV).

Làm Việc Ở Nhà: Một Vài Hậu Quả Tại Hại Không Ng

Một điều may mắn cho nhiều người trong thời gian dịch bệnh là được làm việc ở nhà.  Những người ấy vừa được tiếp tục công việc của mình, tiếp tục đóng góp cho xã hội bằng nhiều cách khác nhau, lại được có thêm thời giờ với gia đình.  Tuy nhiên cũng có một vài hậu quả xấu xảy đến, chẳng hạn như không giữ được rõ ràng đâu là thời gian làm việc và đâu là thời gian ở nhà. Và như thế có khi cả hai lãnh vực trở nên lẫn lộn và sa sút, nhất là đối với những người có con nhỏ còn đi học. Tôi đã thấy rất quan tâm cho những người làm cha mẹ khi họ làm việc ở nhà mà phải trông coi con em trong khi chúng tham dự những lớp học trên mạng.  Điều này hẳn phải là rất khó khăn và căng thẳng!  Trong khi nhiều người đã quen với việc phải làm hai ba việc một lúc, nhưng trong thời gian dịch bệnh này, việc phải làm hai ba việc một lúc mới thật là oái oăm.  Nó đã có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của một số người, và làm cho chúng ta trở nên kém hiệu lực.  Tôi chỉ xin cầu nguyện cho một số gia đình được tìm thấy sự cân bằng thích hợp và phù hợp với sức khỏe trong cuộc sống, đặc biệt trong thời gian bệnh dịch đã làm cho cuộc sống họ thêm căng thẳng.  Tôi cũng xin quý Ông Bà và Anh Chị em cầu nguyện cho các trẻ em và người lớn đang sống trong hoàn cảnh gia đình có khi nguy hiểm, có thể bị bỏ bê hay lạm dụng, ngay cả bị thiếu ăn.

Việc Thờ Phượng trong thời Dịch bệnh: Giữ ngày Chúa nhật

Trong khi nhiều người trở nên có thói quen trong cuộc sống làm hai ba việc cùng một lúc, tôi không biết chuyện ấy có ảnh hưởng thế nào đến việc giữ ngày Chúa nhật là ngày thờ phượng Chúa, để nghỉ ngơi, và liên kết với nhau. Vì chúng ta tất cả đều ở trong cùng một thế hệ làm hai ba việc cùng một lúc, tôi muốn nhân cơ hội Lễ Lao Động này để gửi một lời mời gọi đến quý Ông Bà và Anh Chị em để suy nghĩ về việc làm sao dành thì giờ và hoàn cảnh trong cuộc sống bận rộn của chúng ta để kết hợp với Chúa và thân thể của Chúa Ki-tô là Giáo Hội của Ngài.

Một điều không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng cũng có lúc một đứa con, người vợ hay người chồng, một người bạn thân, hay ngay cả một người xa lạ, cần đến chúng ta.  Chúng ta cũng nên để ý đến người ấy mà lắng nghe hay giúp đỡ.  Lòng chúng ta nên mở rộng để lắng nghe người ấy, xem họ có cần giúp đỡ gì hay trút bớt một gánh nặng trên vai, hay chỉ muốn có người để tâm sự.  Là người Ki-tô hữu, chúng ta sống tốt đẹp hơn khi dành thì giờ và hoàn cảnh cho những việc đạo đức, liên kết với Chúa và với Cộng đồng Giáo Hội.  Chúng ta thờ phượng Chúa không phải vì Chúa cần chúng ta ca ngợi Ngài, nhưng vì việc thờ phượng giúp chúng ta nhớ rằng mình thật sự có liên hệ với Chúa là Đấng Sáng tạo mình, là Đấng Cứu độ và nâng đỡ chúng ta bằng tình yêu và ân sủng của Ngài, và sự liên hệ chính đáng với thân thể của Ngài là Giáo Hội.

Ngày Chúa Nhật

Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết vào ngày Chúa nhật, thiếp lập một kỷ nguyên mới trong lịch sừ  nhân loại, một kỷ nguyên hy vọng, ân sủng, cứu độ, và ngày Chúa nhật được gọi là ngày của Chúa.  Giáo lý Công giáo dạy rằng “Chúa nhật là ngày của Chúa và Phép Thánh Thể là trung tâm điểm của đời sống Giáo Hội” (Điều 2177).  Chúa nhật là ngày thờ phượng, là ngày nghỉ ngơi, là ngày liên kết, là ngày để cầu nguyện, thực thi công việc bác ái, và để duy trì những liên hệ mật thiết trong cuộc sống của chúng ta.

Kể từ ngày 14 tháng 3 năm 2020 khi chúng ta chấm dứt những nghi lễ công cộng trong Giáo phận San Jose vì cơn dịch bệnh, tôi đã ra phép chuẩn cho mọi giáo dân trong Giáo phận không phải tham dự Thánh lễ cho đến khi có thông báo mới.  Mặc dầu nay đã có lệnh cho phép cử hành Thánh lễ ngoài trời với số người tham dự hạn chế, phép chuẩn này vẫn còn hiệu lực.

Khi phổ biến phép chuẩn không buộc xem lễ ngày Chúa nhật, tôi cũng khuyến khích mọi giáo dân tham dự Thánh lễ trực tuyến ở nhà để cầu nguyện.  Nhiều giáo dân đã làm như thế, và một số khác đã trở lại tham dự Thánh lễ ngoài trời trong các giáo xứ.  Tôi biết ơn các Cha xứ và ban lãnh đạo các giáo xứ đã thu xếp để cho việc này được hoàn thành tốt đẹp.

Mặc dầu phép chuẩn không buộc tham dự Thánh lễ, người giáo dân cũng cần nhớ một điều căn bản là sự liên kết với Chúa và với Giáo Hội.  Lời cầu nguyện của Thánh Au-gust-ti-nô không bao giờ trở nên lỗi thời: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, và lòng chúng con không nghỉ yên cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa.”  Lời nguyện vắn tắt và rất có ý nghĩa này giúp chúng ta nhớ rằng thờ phượng, nghỉ ngơi, và liên kết là những điều ràng buộc nhau.  Thờ phượng giúp chúng ta thêm liên kết với Chúa và các thành phần tín hữu là Giáo Hội.  Thờ phượng còn giúp chúng ta tránh được tình trạng căng thẳng.  Không có gì hữu ích cho tinh thần và thể chất của trẻ em hơn là khi chúng biết mình được yêu thương.  Là con cái Chúa, chúng ta cũng cần sự liên kết với Chúa trong khi thờ phượng, trong những giờ thiêng liêng, để chúng ta được an tâm về tâm hồn, thể chất, và tinh thần.  Dưới đây tôi xin đề nghị một vài cách để thờ phượng và duy trì đời sống thiêng liêng trong thời gian dịch bệnh này.

Về việc nghỉ ngơi và giải trí, Giáo lý Công giáo ghi như sau: “Cũng như Thiên Chúa ‘đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau khi Ngài đã thực hiện công việc,’ đời sống con người cũng có tuần tự làm việc và nghỉ ngơi.  Định chế thiết lập ngày Chúa nhật cho phép ta được nghỉ ngơi và giải trí để vun tưới đời sống gia đình, đời sống văn hoá xã hội, và đời sống đạo đức.” (Điều 2184).  Do đó, ngày Chúa nhật không những là ngày để thờ phượng, mà còn là ngày để xây dựng và vun tưới những liên hệ với người chung quanh – gia đình, cộng đồng.  Vì lý do đó, những công việc Bác ái cũng rất thích hợp trong ngày Chúa nhật.  Nhờ thế chúng ta duy trì và liên kết được với những người thân, với bạn hữu, hàng xóm, và cộng đồng.

Những Đề Nghị Thiết Thực

Trong thời gian dịch bệnh này, chúng ta hãy nhận ra sự thiếu thốn Phép Thánh Thể nơi chúng ta.  Đây là một vài đề nghị thiết thực để giữ ngày Chúa nhật trong thời gian dịch bệnh:

  1. Hãy để ra một thời gian nào đó hoặc một nơi nào đó; ấn định được một nơi hay một thời gian nào đó để cầu nguyện giúp chúng ta biết rõ đó là thời gian thiêng liêng.
  2. Ấn định thời gian nào đó cho việc nói chuyện trong gia đình, chẳng hạn như trong một bữa ăn vào ngày Chúa nhật.
  3. Ấn định một thời gian nào đó để hỏi thăm, gọi điện thoại cho bạn bè hay người thân.
  4. Tìm cách tiếp xúc, có thể qua điện thoại, hình ảnh… với giáo xứ vào Thánh lễ ngày Chúa nhật.
  5. Ấn định một thời gian nào đó cho việc suy niệm; chỉ cần chừng 5 phút buổi sáng cũng có thể giúp ta biết cách đối phó với những gì xảy đến trong ngày; có thể giúp ta có một thái độ tốt, biết xử sự tốt với người khác, hay với hoàn cảnh khó khăn.
  6. Cầu nguyện trước khi ăn.
  7. Dành thì giờ làm việc bác ái, việc đạo đức hay tinh thần; không những giúp cho người nhận được ân huệ mà còn giúp cho cả chúng ta.
  8. Vì Thiên Chúa thực sự hiện diện trong lời Chúa, người giáo hữu tìm được sự nuôi dưỡng tinh thần khi đọc các bài đọc Phúc âm cho Thánh lễ ngày Chúa nhật, chia xẻ với những người khác về những câu hay những lời trong Phúc âm cũng giúp đánh động ta.
  9. Vì Thiên Chúa thực sự hiện diện trong mọi thành phần cơ thể của Ngài, người giáo dân tìm được sự nuôi dưỡng qua việc tiếp xúc với cộng đồng giáo xứ hay với những người yếu kém, như lời Phúc âm ngày Chúa nhật tuần này nhắc nhở chúng ta: “Ở đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Ta, ở đó có Ta hiện diện giữa họ.” (Mt. 18: 20); dùng mọi phương tiện truyền thông mà chúng ta có được để tiếp xúc với người khác.
  10. Mặc dầu có thể không tham dự Thánh lễ mọi ngày Chúa nhật được, chúng ta cũng có thể giữ được hai nguồn chính của Phép Thánh Thể: tạ ơn và cầu xin. Chúa nhật là ngày tốt nhất để suy niệm về những ân huệ mình đã nhận được và những kinh nghiệm trải qua trong tuần trước và tạ ơn Chúa cùng ca tụng Ngài vì những ân huệ Chúa ban.
  11. Như những người môn đệ trung thành, chúng ta chuyển từ lòng biết ơn sang việc cầu nguyện cho các nhu cầu của Giáo xứ và Giáo phận và cầu nguyện cho các Anh Chị em đang gặp khó khăn khắp nơi trên thế giới.
  12. Và chúng ta cũng nhớ rằng mọi Thánh lễ đều dẫn đến một sứ mệnh. Trước khi ngày của Chúa qua đi, hãy bình tâm cam kết một sứ mệnh mà Chúa đặt để cho chúng ta, như một việc gì mà chúng ta sẽ làm trong gia đình, nơi sở làm, nơi những người hàng xóm, nơi cộng đồng để kết hợp với Chúa Phục sinh, như Ngài vẫn tiếp tục làm để hoàn tất công trình cứu độ trần gian.

 

Chân thành trong Chúa Ki-tô,

Giám Mục Oscar Cantú

Giáo Phận San Jose